Ngày 23/10,ỡthiếuthuốctrịtaychânmiệgiàn phơi hòa phát ông Lê Việt Dũng, Cục phó Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết nguồn cung thuốc thiết yếu trị tay chân miệng như gamma globulin, phenobarbital, milrinone... hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Trước đó, hồi tháng 7, nhiều loại thuốc trị bệnh nặng cạn kiệt, các bác sĩ phải hội chẩn và cân nhắc kỹ, ưu tiên dùng thuốc cho những trường hợp nặng.
Đến nay, 13 thuốc immunoglobulinđược cấp giấy đăng ký lưu hành vẫn còn hiệu lực tại Việt Nam. Thuốc này giúp tạo miễn dịch, điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ chuyển độ cũng như biến chứng nặng bệnh tay chân miệng. Thuốc chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, nguồn cung khan hiếm toàn cầu hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ immunoglobulin, trong đó 8.258 lọ đã được nhập và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến, cuối tháng sau, 2.000 lọ tiếp tục được nhập về.
Đối với thuốc chứa hoạt chất phenobarbital, hiện có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh, chủ động nguồn cung trong nước.
Thuốc này có hai dạng là viên uống và dung dịch tiêm truyền qua đường tĩnh mạch, với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ, có vai trò cắt các cơn co giật kéo dài và dự phòng các tái phát co giật. Bên cạnh đó, phenobarbital còn có tác dụng an thần, làm giảm các biểu hiện thần kinh, giật mình ở trẻ. Ngoài ra, khi có phù não (trong trường hợp nặng) thuốc góp phần làm giảm phù não, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của não.
Cục đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị. Hiện, số thuốc này đã được nhập khẩu về và cung ứng cho các cơ sở có nhu cầu.
Bên cạnh đó, một số cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa phenobarbital). Cục Quản lý Dược đã có văn bản hướng dẫn cơ sở nhập khẩu để hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu theo quy định.
Về thuốc chứa hoạt chất milrinon, hiện có hai cơ sở sản xuất trong nước có sẵn thuốc để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh. Thuốc thuộc phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế, dùng khi trẻ tăng huyết áp, trong danh mục được Bảo hiểm Y tế chi trả.
Gần đây, một số bệnh viện các tỉnh phía Nam như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... chưa đủ các thuốc thiết yếu trị tay chân miệng do việc đấu thầu mua sắm của địa phương chậm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thiếu thuốc cùng với việc một số nơi chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu, khiến nhiều bệnh nhi nặng phải chuyển viện, dẫn đến hậu quả một số trẻ không được điều trị kịp thời, biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 23 trường hợp trẻ tay chân miệng tử vong, chủ yếu ở Tây Nam Bộ.
Trước tình hình trên, tổ chuyên gia từ TP HCM đến bệnh viện chuyên khoa sản nhi An Giang, Kiên Giang để tập huấn chuyên môn về điều trị bệnh tay chân miệng, đào tạo về lọc máu, giúp nâng cao năng lực điều trị ngay tại địa phương để hạn chế chuyển viện không cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết tổ chuyên gia chú trọng tập huấn nhận biết sớm điều trị ca nhẹ, nhận biết sớm ca nặng để hội chẩn tuyến trên hướng dẫn điều trị hoặc chuyển viện.
Tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 7.000 trường hợp tay chân miệng, tăng 3,8% so với tuần trước. TP HCM đang điều trị hơn 320 trẻ tay chân miệng, trong đó hơn 70% là bệnh nhi từ các tỉnh đến. Trong số này, 26 bệnh nhi nặng với 12 trường hợp phải thở máy.
Số ca tay chân miệng đạt đỉnh lần thứ nhất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, sau đó giảm dần đến đầu tháng 9 tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay. Tuần qua, số ca mắc đã vượt đỉnh thứ nhất của năm và vẫn đang tiếp tục tăng.
Tác nhân chủ yếu gây tay chân miệng năm nay là EV71. Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Đặc điểm chung của dịch tay chân miệng do chủng này là thường kéo dài 4-5 tháng. Trong khi đó, khó khăn trong điều trị tay chân miệng là bệnh diễn tiến nhanh. Nhiều trẻ mắc tay chân miệng đang tỉnh táo vui chơi thì đột ngột giật mình chới với rồi nhanh chóng diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở.
Lê Phương